Chống đỡ Nam Tống Lý Cương

Tháng 5 năm 1127, Khang vương Triệu Cấu tại Ứng Thiên phủ [5] thuộc Nam Kinh lên ngôi, là Tống Cao Tông, đổi niên hiệu là Kiếm Viêm, sử gọi là nhà Nam Tống. Vì muốn mượn danh vọng của Lý Cương, khởi dụng ông làm Thượng thư Tả bộc xạ (Tả tướng) kiêm Trung thư thị lang. Phái chủ hòa cực lực chỉ trích Lý Cương.

Tháng 6, ông cho rằng những việc cấp bách lúc này là nghị Quốc thị (bàn về Phương châm chính trị), nghị Tuần hạnh (bàn về việc Hoàng đế tuần du), nghị Xá hạnh (bàn về việc Hoàng đế tha tội), nghị Tiếm nghịch (bàn về việc Bề tôi cướp ngôi), nghị Ngụy mệnh (bàn về Mệnh lệnh của chính quyền ngụy), nghị Chiến (bàn về việc Đánh), nghị Thủ (bàn về việc Thủ), nghị Bản chính (bàn về Chính lệnh của triều đình), nghị Trách thành (bàn về Trách nhiệm), nghị Tu đức (bàn về việc Sửa đức). Lý Cương phản đối nghị hòa, yêu cầu biểu dương những người tử tiết vì kháng Kim, dời đô về Khai Phong, chấn chỉnh quân vụ. Ông mạnh mẽ yêu cầu nghiêm khắc trừng trị những quan lại hàng Kim, trong biểu có viết: Bề tôi không thể phụng sự hai nước, nên dùng hốt mà đánh chúng.

Lý Cương tích cực tổ chức quân dân Lưỡng Hà kháng Kim, bổ nhiệm Trương Sở làm Hà Bắc chiêu phủ sứ, Phó Lượng làm Hà Đông kinh chế phó sứ, Tông Trạch làm Tri Khai Phong phủ. Ông cho rằng chỉ có trên dưới đồng lòng kháng Kim, "trong thời gian 3 năm, quân đội – chính trị được tăng cường – sửa sang, binh giáp – chiến xa được chuẩn bị đầy đủ, về sau có thể cất đại quân chinh thảo, báo mối thù không đội chung trời, rửa cái nhục xưa chưa từng có". Nhờ vào nỗ lực xoay xở của Lý Cương, cục diện Nam Tống dần dần ổn định.